Ngay sau khi thành lập, Trung tâm đã khẩn trương lập báo cáo kiểm định an toàn 02 đập thủy điện: Krông H’năng và Khe Diên, đều có quy mô đập cấp 2, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Sông Ba (SBA). Hồ sơ Báo cáo kiểm định đập đã được Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương đánh giá tốt nhờ chất lượng hồ sơ và tinh thần trách nhiệm của Tư vấn khi khẳng định được tính an toàn của 2 đập và thẳng thắn góp ý những vấn đề còn tồn tại trong vận hành 2 hồ thủy điện kể từ khi tích nước đến nay. Báo cáo cũng đã đề xuất những nội dung cần thiết để chủ hồ nghiên cứu thực hiện để bảo đảm vận hành an toàn hai đập thủy điện cũng như đối với các hồ chứa.
Sau đó, Trung tâm cũng đã triển khai ngay các bài toán chuyên ngành để tính toán bản đồ ngập lụt hạ du hai hồ thủy điện Krông H’năng và Khe Diên ứng với nhiều cấp lũ có chu kỳ xuất hiện (tần suất p%) từ 10 năm đến 1.000 năm để làm căn cứ lập Phương án phòng chống lũ lụt hạ du (Phương án PCLLHD) theo quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 về quản lý an toàn đập và Thông tư số 34/2010/TT-BCT, ngày 07/10/2010 của Bộ Công Thương về quy định quản lý an toàn đập công trình thủy điện. Đây là bài toán phức tạp, có khối lượng tính toán lớn vì là bài toán tổ hợp của nhiều bài toán chuyên ngành về thủy văn, thủy lực và điều tiết vận hành hồ, điều tra dân sinh xã hội. Trung tâm đã hợp tác với một số cán bộ nghiên cứu, giảng viên là tiến sỹ, thạc sỹ kỹ thuật thuộc Khoa Công trình thủy- Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để cùng giải bài toán theo các phần mềm chuyên ngành về ngập lũ để đạt yêu cầu chất lượng và thời gian. Đầu tháng 05 năm 2013, các bản đồ ngập lụt của 02 hồ Krông H’năng và Khe Diên đã được thiết lập xong, Trung tâm hoàn thành hồ sơ Phương án PCLLHD theo quy định để trình duyệt với UBND các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam. Việc hoàn thành bản đồ vùng ngập hạ du các hồ thủy điện trên là một nỗ lực để góp phần chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai lũ lụt cho nhân dân địa phương trong mùa mưa bão.
Các bản đồ ngập lụt hạ du 02 hồ thủy điện Khe Diên, Krông H’năng do Trung tâm lập
Hồ sơ Báo cáo kiểm định an toàn đập và Phương án phòng chống lũ lụt hạ du của 2 đập thủy điện Krông H’năng và Khe Diên đã xuất bản
Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện công tác tư vấn lập bản đồ vùng ngập hạ du sông Ba theo yêu cầu của tỉnh Phú Yên, giúp các địa phương trong vùng xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó lũ, lụt hằng năm khi các hồ chứa Sông Ba Hạ, Sông Hinh và các hồ chứa khác trong hệ thống sông Ba xả lũ về hạ du. Đây là một đề tài lớn, phạm vi ảnh hưởng lũ lụt trên diện rộng với nhiều vùng dân sinh kinh tế của tỉnh Phú Yên, đòi hỏi kết quả tư vấn phải đạt chất lượng cao, chi phí vừa phải và phù hợp điều kiện tài chính các chủ hồ. Mục đích, yêu cầu lập bản đồ ngập lụt hạ du sông Ba được Trung tâm xác định trong đề cương tư vấn:
- Tính toán xác định mức nước ngập lụt ứng với các cấp lũ sông Ba theo các chu kỳ xuất hiện 1.000 năm, 200 năm, 100 năm, 33 năm, 20 năm, 10 năm trên khu vực hạ du sông Ba khi các hồ thủy điện trong hệ thống vận hành theo quy trình liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành;
- Xác định phạm vi ngập lụt hạ du sông Ba, thời gian mức nước lũ tăng đạt đỉnh mốc và thời gian duy trì ngập lụt tương ứng với các cấp lũ nói trên;
- Làm cơ sở xây dựng các phương án cảnh báo, chủ động ứng phó lũ lụt, di dời ... để lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các cấp chỉ đạo điều hành kịp thời hiệu quả trong công tác phòng chống lụt bão hàng năm;
- Bản đồ ngập lụt hạ du sông Ba phải được bàn giao cho tỉnh Phú Yên sử dụng dài hạn trong nhiều năm. Hằng năm tư vấn sẽ hiệu chỉnh theo thực tế lũ lụt và vận hành xả lũ của các hồ Sông Ba Hạ, Sông Hinh. Đây là nội dung thường không được đề cập nhưng Trung tâm xem như là trách nhiệm cần phải suy nghĩ và thực hiện.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Kiểm định an toàn đập trực tiếp thuyết trình đề cương, dự toán với lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ
Các kỹ sư của Trung tâm đang đi điều tra lũ phục vụ lập bản đồ vùng ngập hạ du sông Ba
Trong một thời gian ngắn, với một nỗ lực lớn, tận tâm và yêu nghề của tập thể kỹ sư, Trung tâm đã đạt những kết quả ban đầu không những giảm chi phí sản xuất mà còn tăng thêm doanh thu cho SBA. Điều đó cũng nói lên định hướng phát triển đúng của lãnh đạo SBA đã mở ra lĩnh vực tư vấn phù hợp với tiềm lực vốn có của đội ngũ cán bộ nhân viên của mình song song nhiệm vụ sản xuất điện năng.
Năm 2013 và các năm đến, Trung tâm sẽ phấn đấu hoạt động tốt hơn nữa để từng bước ổn định và phát triển, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo SBA và cổ đông.