Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Công ty Thủy điện Sông Bung đã tăng cường ứng dụng các sản phẩm công nghệ số, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí, gia tăng hiệu quả mọi hoạt động để góp phần tạo tiền đề thực hiện chủ đề năm 2023 “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhân viên vận hành giám sát số liệu từ máy tính
Các phân xưởng vận hành của Công ty đã số hóa toàn bộ quy trình vận hành và xử lý sự cố, các tài liệu kỹ thuật, sơ đồ công nghệ; chuyển đổi việc ghi chép nhật ký vận hành, sổ ghi thông số vận hành sang nhật ký vận hành điện tử trên phần mềm PMIS. Việc ứng dụng hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS) góp phần khai thác đầy đủ các thông tin gồm: nhận diện các mối nguy, phổ biến cẩm nang sự cố, các biện pháp đảm bảo an toàn và tài liệu đính kèm đối với thiết bị công nghệ trong Nhà máy. Trong lĩnh vực quản lý vật tư, công ty đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý vật tư bằng mã vạch, giúp việc tìm kiếm vị trí vật tư thiết bị dễ dàng, tiện lợi hơn.
Phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS) - giúp số hoá công tác QLVH trong nhà máy điện
Công tác bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị, Công ty đã triển khai và áp dụng thành công việc bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy RCM trên phần mềm Quản lý kỹ thuật PMIS khi đã hoàn thành phân tích RCM toàn bộ hệ thống thiết bị cho cả 02 Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 & Sông Bung 4; đồng thời lập phương án kỹ thuật sửa chữa lớn năm 2022 và năm 2023, góp phần tối ưu hóa quá trình phân tích, đánh giá, lập hồ sơ, ra quyết định bảo dưỡng, sửa chữa một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian.
Nhân viên vận hành kiểm tra thông số nhiệt độ tổ máy
Đối với công tác theo dõi thủy văn hồ chứa, Công ty đã đưa vào sử dụng Web SAVER nhằm theo dõi lượng mưa trên lưu vực lòng hồ, giúp cập nhập tự động số liệu các trạm đo mưa tự động trên lưu vực. Ngoài ra Web SAVER còn cập nhập mực nước thượng, hạ lưu, lưu lượng về, lưu lượng xả v.v. Công ty đã kết hợp việc tính toán lưu lượng nước về hồ, dung tích hữu ích, dung tích phòng lũ trên phần mền PMIS (tại trang thủy văn 24h) để tự động tính toán số liệu. Từ đó có thể đáp ứng thông tin thủy văn kịp thời để đưa ra phương án vận hành điều tiết hồ chứa, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du trong mùa mưa lũ.
Giao diện Web SAVER nhằm theo dõi lượng mưa lưu vực lòng hồ Sông Bung 4
Giao diện Web theo dõi các trạm đo mưa tự động lưu vực lòng hồ Sông Bung 4
Công ty đã thực hiện số hóa toàn bộ các tài liệu phục vụ công tác đào tạo và cập nhật lên hệ thống hệ thống phần mềm E-learning của EVN để CBCNV tham gia học tập, ôn luyện mang lại nhiều kết quả thiết thực, nâng cao chất lượng đào tạo và tiết giảm chi phí cho đơn vị. Trong thời gian tới, Công ty sẽ triển khai áp dụng một số thành tựu công nghệ mới trong sản xuất vào thực tiễn thiết bị công nghệ nhà máy như: Thay thế hệ thống DCS Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4; rà soát và đưa toàn bộ dữ liệu vận hành thiết bị quan trọng khác lên DCS nhằm số hóa đầy đủ công tác ghi; thay thế hệ thống điều tốc mới đáp ứng khả năng AGC và khả năng điều tần theo yêu cầu của A0 v.v. Ngoài ra tiếp tục tạo động lực để CBCNV đóng góp sáng kiến, chủ động đề xuất thay đổi công nghệ một số thiết bị hệ thống làm việc không tin cậy bằng các công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế.
Hệ thống giám sát PCTT&TKCN từ xa của Công ty Thủy điện Sông Bung
Việc chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành đã mang lại hiệu quả rõ rệt như tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu về quản lý kỹ thuật để nhà máy luôn vận hành an toàn tin cậy. Việc chấp hành các quy định của nhà nước được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, người lao động giảm bớt áp lực trong công việc. Có thể nói chuyển đổi số đã góp phần quan trọng để Công ty Thủy điện Sông Bung hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh liên tục trong những năm vừa qua.
Ngô Văn Nhân – PXVH Sông Bung 4