Hiệu quả trong việc ứng dụng chuyển đổi số tại Thủy điện Sông Ba Hạ

Thực hiện Đề án chuyển đổi số và định hướng tới năm 2025, EVN trở thành Doanh nghiệp số và theo chủ trương chung của EVN và EVNGENCO2, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ứng dụng mô hình số hóa và chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí tại đơn vị.

Nhân viên vận hành đang ghi nhật ký vận hành và giao ca trên phần mềm PMIS

Kết quả triển khai ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, quản lý điều hành

Kết quả đầu tiên phải kể đến là chuyển đổi được nhận thức của cán bộ, người lao động (CB-NLĐ) trong Công ty. Tất cả CB-NLĐ đều hiểu được lợi ích của việc chuyển đổi số và ý thức chuyển đổi số là trách nhiệm của chình mình để cùng tập thể Lãnh đạo Công ty thực hiện chuyển đổi số toàn diện vào năm 2025. Mỗi CB-NLĐ nghiêm túc nghiên cứu tìm hiểu các nội dung kiến thức về chuyển đổi số trong Đề án chuyển đổi số tổng thể của EVN; Sổ tay chuyển đổi số trong EVN; Thực hiện các nội dung, kế hoạch chuyển đổi số của EVNGENCO2, tích cực tham gia các cuộc thi về chuyển đổi số do các cấp phát động và tự tìm kiếm tài liệu có liên quan để học tập nhằm nâng cao kiến thức, đáp ứng theo tiến độ, kế hoạch chuyển đổi số, với tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo.

Với quyết tâm trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, SBH đã triển khai các giải pháp để ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các hoạt động. Kết quả, SBH đã sử dụng phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS để thực hiện công tác tổng hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá RCM (phân hệ sửa chữa tập trung vào độ tin cậy), lập phương án sửa chữa lớn và tổng hợp khối lượng thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, 100% thiết bị đã được số hóa, cập nhật đầy đủ số lượng và thông tin của thiết bị theo RCM; nhân sự được thực hiện quản lý trên phần mềm HMRS; hoạt động tài chính được thực hiện phần mềm quản lý kế toán ERP; công tác đầu tư xây dựng được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm IMIS; thực hiện văn phòng điện tử D-Office trong hoạt động quản lý, điều hành; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đấu thầu; ứng dụng mã QRCode để quản lý vật tư, thiết bị giúp đơn vị nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát vật tư nhập - xuất - tồn kho, gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí.

SBH ứng dụng hệ thống quản lý thông tin (CIMS) trong việc công bố thông tin

Hiệu quả từ việc ứng dụng chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Công ty, dễ nhận biết nhất là giảm chi phí hoạt động nhờ tiết kiệm thời gian trong các quy trình; Tối ưu hóa được năng suất làm việc của CB-NLĐ; Tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị nội bộ.

SBH sử dụng phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS thực hiện công tác tổng hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá RCM, lập phương án sửa chữa lớn và tổng hợp khối lượng thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị hàng năm; tổng hợp số liệu báo cáo thuỷ văn, công suất, sản lượng; ghi nhật ký vận hành của 2 tổ máy đã giúp cho công tác lưu trữ và truy xuất dữ liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác, mang lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý vận hành và sửa chữa nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cho việc phát điện của các tổ máy, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy cho cả hệ thống điện.

Việc ứng dụng giải pháp “đồng bộ dữ liệu từ hệ thống quản lý thông tin Công ty (CIMS) với Website Công ty, kết hợp công cụ công bố thông tin Zalo offcial account” đã rút ngắn thời gian thực hiện, giảm các thao tác nhập dữ liệu thủ công, góp phần giảm áp lực cho cán bộ làm công tác CBTT trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Website của SBH; góp phần nâng cao năng lực quản lý, giám sát, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư; đồng thời hạn chế sai sót, sai khác thông tin giữa các kênh công bố thông tin; đặc biệt tránh bị phạt về nghĩa vụ công bố thông tin mang lại các thông tin hữu ích đầy đủ cho các cổ đông.

Công ty đã ứng dụng chuyển đổi số trong công tác giám sát mực nước hồ; lưu lượng xả qua nhà máy; lưu lượng xả qua tràn đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt như: tăng cường năng lực theo dõi, giám sát các công trình, cung cấp số liệu quan trắc tài nguyên nước phục vụ đánh giá hiện trạng, xu hướng khả năng khai thác, cảnh báo suy kiệt, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu; nâng cao chất lượng kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giảm chi phí trong việc quản lý các dữ liệu, thông tin và quản lý tài nguyên nước.

Giao diện phần mềm giám sát và truyền dữ liệu mực nước hồ chứa Nhà máy TĐ Sông Ba Hạ

Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ số đã giúp Lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Trong thời gian tới, SBH sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng và nâng cao an toàn thông tin; tiếp tục triển khai đưa công nghệ số vào các hoạt động của Công ty một cách chuyên sâu nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, cùng EVN và EVNGENCO2 trở thành Doanh nghiệp số vào năm 2025.

                                                                                                                                         Hồng Thanh