Cánh đồng buôn Thống Nhất hưởng nước từ cống tự chảy Suối Trai - Ảnh: LÊ TRÂM
Trạm bơm điện buôn Lé A tưới 50ha lúa cánh đồng xã Krông Pa, đây là vụ thứ sáu liên tiếp, đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê ở buôn Chơ và buôn Học áp dụng khoa học kỹ thuật trồng lúa nước. Trước đó, vụ lúa hè thu 2014, trạm bơm điện buôn Lé A tưới 36ha lúa nước, sau đó thấy làm ăn hiệu quả, được sự quan tâm của Nhà nước về đầu tư vốn, bà con mở rộng diện tích. Ông Ksor Y Bon, một nông dân trồng lúa ở đây vui mừng nói: Làm lúa nước vụ nào cũng trúng mùa, năng suất từ 60 tạ/ha. Còn trước đây làm lúa ăn theo nước trời, vụ nào hạn thì lúa khô héo, còn mưa to ruộng bứt bờ bứt góc, mất mùa liên tiếp.
Không chỉ làm lúa nước đơn thuần mà bà con ở đây còn trồng lúa lai, năng suất cao gấp đôi so với trước đây làm lúa thổ (giống lúa địa phương). Ông Ksor Y Ngâm, một nông dân trồng lúa lai cho hay: Mới đây, nông dân trong xã trồng mô hình giống lúa lai TH3-5, với diện tích 10ha. Riêng gia đình tôi năng suất đạt 80 tạ/ha; trước đây làm lúa thổ 2 vụ dồn lại không bằng làm một vụ như bây giờ. Từ ngày có lúa nước, trong xã có máy gạo xay xát chứ không giã bằng chày cối như trước nữa.
Từ năm 2013 đến nay, cống nước tự chảy Suối Trai (thủy điện Sông Ba Hạ), tưới 39ha cánh đồng buôn Thống Nhất (xã Suối Trai) 1 năm 2 vụ lúa ăn chắc. Bà Hờ Nhen làm lúa nước trên cánh đồng buôn Thống Nhất, giãi bày: Nước từ cống thoát nước chảy qua mương đổ vào ruộng suốt vụ nên không lo thiếu nước, bà con làm ruộng chỉ lo bón phân, chăm sóc. Mấy năm liền, nông dân làm ruộng lúa đầy bồ, không lo thiếu gạo. Còn bà Nguyễn Thị Nhật Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trai, cho hay: Từ ngày có cống nước tự chảy Suối Trai, ngoài làm lúa thuần, vụ rồi trên cánh đồng buôn Thống Nhất, nông dân áp dụng trồng 10ha lúa lai, với 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Cuối vụ cho năng suất trên 76,2 tạ/ha, cao hơn ruộng sản xuất đại trà 13,5 tạ/ha.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ khi trạm bơm điện buôn Lé A và cống nước tự chảy xã Suối Trai hình thành, ngành Nông nghiệp hỗ trợ phân bón, lúa giống triển khai mô hình sản xuất lúa lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nông dân tham gia mô hình góp phần nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, mô hình cũng giúp bà con nông dân dần bỏ tập quán sử dụng lúa thương phẩm, định hướng sử dụng các giống lúa lai, giống lúa đạt tiêu chuẩn để gieo sạ. Đồng bào dân tộc thiểu số làm lúa nước nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
TRÂM TRÂN