Giải pháp thực hiện đóng khẩn cấp van đường ống áp lực thông qua điện thoại thông minh

Việc thực hiện đóng khẩn cấp van đường ống áp lực nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 thông qua điện thoại thông minh là một trong những giải pháp áp dụng chuyển đổi số của Công ty Thủy điện Sông Bung góp phần vận hành an toàn, ổn định nhà máy Thủy điện, đồng thời giảm thiểu thiệt hại, rủi ro cho công trình và con người trong trường hợp xảy ra sự cố gây mất an toàn.

Nhân viên vận hành kiểm tra hoạt động của hệ thống van


Nhu cầu cấp thiết của việc ứng dụng giải pháp

Trong thời gian vận hành từ năm 2018-2022, Nhà van NMTĐ Sông Bung 2 đã nhiều lần xảy ra tình trạng hư hỏng cáp quang gây mất tín hiệu giám sát và điều khiển từ Nhà van gửi về Phòng điều khiển trung tâm (P.ĐKTT) trong khu vực Nhà máy. Khi đó lực lượng Vận hành và Bảo trì của Phân xưởng vận hành phải di chuyển hơn 10 km lên Nhà van để khắc phục sự cố cũng như thực hiện các thao tác theo các phương thức vận hành của Van đường ống áp lực (Van đĩa). Tuy nhiên, việc di chuyển này không hề dễ dàng, đặc biệt là trong mùa mưa bão, đường xá bị bùn đất che lấp và cây cối sạt trượt không thể đi lại được. Do đó, nhu cầu cấp thiết là phải có mạch đóng khẩn cấp Van đĩa từ điện thoại di động thông qua mạng viễn thông và thiết bị thu phát sóng tần số vô tuyến (radio frequency, viết tắt: RF) để đảm bảo an toàn công trình khi xảy ra sự cố. Khi có sự cố cần đóng khẩn cấp Van đĩa, nhân viên vận hành tại Nhà máy nhấn nút điều khiển từ thiết bị thu phát sóng RF, đồng thời gọi điện thoại hoặc nhắn tin theo cú pháp để kích hoạt thao tác đóng Van đĩa, không cần phải di chuyển lên Nhà van.

Ngoài ra, nguồn AC cấp cho thiết bị Nhà van từ Nhà máy bằng 01 sợi cáp lực mà không có nguồn dự phòng khác, khi xảy ra sự cố sẽ làm mất nguồn toàn bộ Nhà van, không thể thực hiện việc giám sát, điều khiển đóng khẩn cấp Van đĩa. Do vậy cần thiết kế, lắp đặt bổ sung nguồn điện năng lượng mặt trời độc lập để cấp cho camera, hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là cấp cho mạch đóng khẩn cấp Van đĩa khi xảy ra sự cố mất nguồn AC. Lúc này các thiết bị và hệ thống điều khiển Van đĩa sẽ được cấp nguồn thông qua hệ thống Pin lưu trữ được nạp điện từ năng lượng mặt trời.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống

Hệ thống điều khiển đóng khẩn cấp Van đĩa Nhà van từ xa gồm 02 hệ thống: hệ thống Module SimGSM và hệ thống thu phát sóng RF. Khi xảy sự cố ảnh hưởng đến an toàn công trình thì nhân viên vận hành thực hiện nhấn nút điều khiển lắp tại P.ĐKTT, sau đó dùng điện thoại di động gọi điện hoặc nhắn tin theo số và theo cú pháp đã đăng ký. Khi đó, thông qua hệ thống thu sóng RF và hệ thống Module SimGSM được lắp đặt tại Nhà van sẽ nhận tín hiệu và chuyển đến Rơ le trung gian, điều khiển mạch đóng khẩn cấp Van đĩa. Hệ thống này không sử dụng cáp tín hiệu hay cáp quang mà vận hành thông qua mạng không dây nên đảm bảo đóng được Van đĩa khi xảy ra sự cố làm đứt cáp tín hiệu, cáp quang từ Nhà máy lên Nhà van.

Do tính chất quan trọng của việc đóng khẩn cấp van đĩa, nên thao tác phải được thực hiện chính xác tuyệt đối, tránh tác động nhầm gây ảnh hưởng đến vận hành an toàn các Tổ máy. Theo đó, hệ thống mạch điều khiển được thiết kế chỉ thực hiện đóng khẩn cấp van đĩa khi nhận được lệnh thao tác từ nút nhấn tại P.ĐKTT kết hợp với xác nhận số điện thoại hoặc tin nhắn theo cú pháp. Khi đó, hệ thống mạch mới được kích hoạt và phát lệnh đi đóng khẩn cấp van đĩa.


Kết quả đạt được

Khi triển khai thành công giải pháp đóng khẩn cấp van đường ống áp lực nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 thông qua điện thoại thông minh sẽ giúp người vận hành không cần phải di chuyển đến Nhà van để thực hiện thao tác trực tiếp khi xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn công trình, đảm bảo tính khẩn trương và chính xác của hệ thống. Đồng thời, đảm bảo cấp nguồn điện dự phòng 220 VAC cho nguồn điều khiển, camera và hệ thống thông tin liên lạc khi mất nguồn cung cấp từ Nhà máy. Từ đó hỗ trợ tốt cho công tác vận hành cũng như điều khiển Van đĩa Nhà van trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp.


Hữu Truyền – Đức Quý - TĐSB