Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng của ngành Điện từ năm 2023

BIM là một mô hình thông tin kỹ thuật số được tạo dựng để mô phỏng cho toàn bộ công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ. Lộ trình áp dụng BIM tại Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam được xây dựng thành 02 giai đoạn, bao gồm giai đoạn 3 năm (2023-2025) và giai đoạn 5 năm (2026-2030). Việc áp dụng BIM góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng (ĐTXD) và quản lý vận hành công trình.

Từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án ĐTXD mới
sử dụng vốn đầu tư công
 (ảnh nguồn: Internet).

Mô hình BIM lưu trữ và liên kết toàn bộ thông tin, dữ liệu liên quan đến công trình trong toàn bộ vòng đời của nó. Bất kỳ sự thay đổi của thành phần nào trong mô hình cũng sẽ được tự động cập nhật cho toàn bộ hệ thống giúp các bên tham gia dự án dễ dàng trao đổi, hợp tác và tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.

Việc áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng mang lại nhiều lợi ích như: Nâng cao chất lượng thiết kế, giảm thiểu sai sót, xung đột kỹ thuật; Tăng cường khả năng tương tác, phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình xây dựng; Giảm thiểu chi phí xây dựng, rút ngắn thời gian thi công; Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành công trình; Đối với các cơ quan quản lý, việc sử dụng BIM như là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế…; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...).

Lộ trình áp dụng BIM tại Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam

Ngày 26/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành Kế hoạch chiến lược áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam tại quyết định số 505/QĐ-EVN. Mục tiêu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình; Khai thác các lợi ích của BIM một cách phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án; Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý các công trình xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại, thống nhất trong toàn EVN; Từng bước tự chủ phát triển và làm chủ các nền tảng dùng chung (BIM CDE, BIM Cloud) của công trình trên không gian số.

Đối tượng áp dụng: (i) Các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư; (ii) Các công trình điện đã được đưa vào vận hành khai thác bao gồm nhưng không hạn chế các công trình nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời…), các công trình lưới điện truyền tải và hạ tầng phân phối, các hạng mục công trình phụ trợ phục vụ sản xuất – kinh doanh.
 

Ảnh minh họa (nguồn: PECC2)

 

Lộ trình chiến lược áp dụng BIM tại EVN được xây dựng cho khung thời gian 3 năm (2023-2025) và 5 năm (2026-2030), cụ thể:

  1. Giai đoạn năm 2023- 2025:
  • Áp dụng BIM trong các dự án ĐTXD mới cấp đặc biệt, cấp I và cấp II mới bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án, trong đó: Các dự án ĐTXD cấp đặc biệt, cấp I từ năm 2023; Các dự án ĐTXD cấp II từ năm 2025.
  • Thí điểm áp dụng BIM trong công tác số hóa cho công trình nguồn và lưới điện đã đưa vào vận hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận hành.
  • Nghiên cứu, xây dựng phương án, hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm các nền tảng dùng chung tại EVN và các Đơn vị Thành viên đáp ứng tiêu chuẩn BIM.
  • Xây dựng và ban hành các quy định, quy trình về tổ chức triển khai áp dụng và quản lý hồ sơ dự án theo mô hình BIM trong công tác ĐTXD và QLVH các dự án nguồn điện và lưới điện của EVN.
  1. Giai đoạn năm 2026-2030:
  • Áp dụng BIM trong các dự án ĐTXD mới từ cấp III trở lên, công trình cấp IV nằm trong các công trình cấp III trở lên đã ứng dụng BIM, khuyến khích ứng dụng BIM cho các dự án ĐTXD mới cấp IV.
  • Hoàn thiện hạ tầng phần cứng, phần mềm các nền tảng dùng chung tại EVN và các Đơn vị Thành viên, đáp ứng tiêu chuẩn BIM, phù hợp điều kiện thực tế đảm bảo hiệu quả đầu tư, chất lượng an toàn thông tin, bảo mật theo quy định.
  • Cập nhật, hoàn thiện các quy định, quy trình ứng dụng BIM tại trong quá trình ĐTXD và QLVH các công trình của EVN.

Thực trạng áp dụng BIM trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thực hiện chủ trương áp dụng BIM trong các dự án ĐTXD, EVN đã thí điểm áp dụng BIM tại 26 dự án, trong đó có:

  • 01 công trình nguồn điện (Dự án Thuỷ điện Trị An mở rộng) ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
  • 01 công trình lưới điện 500kV (Dự án Trạm biến áp 500kV Lào Cai và các đường dây 220kV), giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công;
  • 03 công trình lưới điện 220kV (Dự án "Nhánh rẽ trạm 220 kV Tân Sơn Nhất"; trạm biến áp 220kV Krông Ana; trạm biến áp 220kV Duy Xuyên), giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và 15 công trình lưới điện 110kV, các giai đoạn khác nhau;
  • 04 công trình dân dụng (Dự án xây dựng đơn nguyên nhà hành chính Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2; Dự án “Xây dựng mô hình 3D cho tòa nhà Trung tâm dữ liệu theo mô hình BIM”; Trụ sở văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc EVN”; Khu nhà quản lý dự án và vận hành nhà máy – Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng);
  • 02 công trình hạ tầng (Dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước cho các NMNĐ Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước thô TTĐL Duyên Hải).

Công nghệ quát 3D Laser (Scan to BIM) áp dụng cho các công trình hiện hữu, chưa có BIM trong giai đoạn thiết kế (nguồn: PECC2)


Có thể khẳng định, ứng dụng Mô hình thông tin công trình - BIM là xu hướng tất yếu của ngành xây dựng hiện nay trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ BIM trong hoạt động xây dựng mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả. Việc áp dụng BIM cho công trình điện cần được áp dụng toàn diện, xuyên suốt qua các giai đoạn của công trình, từ thiết kế, thi công, vận hành và bảo dưỡng, đến phá dỡ. Trong đó, giai đoạn vận hành là giai đoạn dài nhất và quan trọng nhất để khai thác hiệu quả các sản phẩm BIM (lúc này được gọi là mô hình thông tin tài sản - AIM) phục vụ công tác quản lý tài sản, quản lý công tác bảo dưỡng, sửa chữa đối với các công trình được đưa vào sử dụng… trên một môi trường dữ liệu duy nhất, đồng bộ và trực quan.

Việc ban hành Kế hoạch chiến lược áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam góp phần thúc đẩy quá trình triển khai BIM trong ngành điện, tạo ra một môi trường thuận lợi để thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.