Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Năng lượng Việt Nam: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025". Ông có thể cho biết một số kết quả đạt được trong triển khai Đề án thời gian qua và dự kiến kế hoạch triển khai năm 2018 của EVN?
Ông Dương Quang Thành: Đây là quyết định tái cơ cấu ngành Điện lực Việt Nam, trong đó EVN có nhiều nhiệm vụ liên quan như cổ phần hóa các tổng công ty phát điện thuộc EVN, chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV hạch toán độc lập trong EVN, thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết cho vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh…
Tiếp theo, ngày 14/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 852/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020. Ngày 31/7/2017, HĐTV EVN đã ban hành Quyết định số 129/QĐ-EVN về kế hoạch thực hiện Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020. Trong đó triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp cụ thể về tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp.
Qua hơn 4 tháng thực hiện Quyết định 852 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Công tác cổ phần hóa các tổng công ty phát điện đã thực hiện theo đúng hướng dẫn, lộ trình của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3.
Giai đoạn 2017-2020, EVN cần thực hiện thoái vốn tại 6 CTCP với giá trị 721 tỷ đồng. Ngay trong 4 tháng cuối năm 2017, EVN đã thoái vốn thành công 25 triệu cổ phần tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), với giá trị 250 tỷ đồng theo mệnh giá, tương đương 10% vốn điều lệ của Công ty, dự kiến thu về 291 tỷ đồng, thặng dư 41 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch thoái vốn cho cả giai đoạn đến năm 2020. Hiện nay EVN đang thực hiện các thủ tục cần thiết để thực hiện thoái vốn tại Công ty CP Cơ điện Thủ Đức, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3 và 4.
Về quản lý vĩ mô, EVN và các đơn vị tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể của EVN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, quản lý chặt chẽ chi phí, nhất là chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí gián tiếp, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, EVN tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 tại Công ty mẹ - Tập đoàn và các tổng công ty thuộc EVN nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động.
EVN đã từng bước hợp lý hoá cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo từng cấp quản lý, chuẩn hoá hệ thống chức danh theo vị trí công việc đối với viên chức quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, cấp bậc công nhân kỹ thuật; đang thực hiện tách bộ phận dịch sửa chữa với bộ phận quản lý vận hành các nhà máy điện, lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối để nâng cao năng suất lao động. Hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) để đánh giá kết quả thực hiện công việc theo hiệu quả, năng suất và chất lượng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc tuyển dụng lao động của từng đơn vị, chỉ tuyển dụng lao động chuyên môn kỹ thuật, lao động trực tiếp, hạn chế tối đa tuyển dụng lao động quản lý gián tiếp. Yêu cầu rà soát, điều chuyển hợp lý lao động hiện có, ưu tiên tuyển dụng lao động từ các đơn vị trong EVN. Thuê ngoài đối với các công việc phục vụ, phụ trợ.
Mặt khác, EVN cũng đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quản lý, vận hành nhằm tăng năng suất lao động, tăng khả năng giám sát tình trạng thiết bị, ngăn ngừa sự cố như triển khai các Trung tâm điều khiển và Trạm biến áp không người trực (220kV, 110kV) để giảm lao động trực tại các trạm biến áp; áp dụng CNTT và thanh toán điện tử đáp ứng theo yêu cầu thanh toán của khách hàng mua điện; phát triển hệ thống đo đếm tự động với công nghệ phù hợp theo khu vực; Ứng dụng công nghệ mới trong vận hành, sửa chữa;...
Trong năm 2018, EVN dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa và thoái vốn, trong đó trọng tâm là công tác cổ phần hóa các tổng công ty phát điện. Phấn đấu hoàn thành thoái vốn toàn bộ các công ty cổ phần cần thực hiện thoái vốn theo quy định tại Quyết định 852. Đồng thời, với việc lựa chọn chủ đề năm 2018 là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, EVN sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề tăng cường công tác quản lý, hợp lý hóa sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động của Tập đoàn.
Năng lượng Việt Nam: Trong những năm qua, hệ thống điện Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, trở thành một trong những hệ thống điện hàng đầu khu vực. Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật đã đạt được, cũng như những thuận lợi, khó khăn của EVN trong quá trình phát triển thời gian tới?
Ông Dương Quang Thành: Trong những năm qua, hệ thống điện Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng. Tính đến cuối năm 2017, quy mô hệ thống điện của Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước ASEAN và xếp thứ 30 trên thế giới với tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc hơn 45.000 MW, trong đó các nguồn điện do EVN và 3 tổng công ty phát điện thuộc EVN sở hữu là 28.330 MW (chiếm 62,5% công suất đặt của hệ thống).
Thời gian qua EVN đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân; trong công tác đầu tư xây dựng; trong việc cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo; giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Về đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân, trong giai đoạn 2011-2015, tổng sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 655 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân 10,41%/năm; tổng sản lượng điện thương phẩm là 587,7 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân 10,9%/năm. Năm 2017, điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,9% so với năm 2016.
Trong công tác ĐTXD các công trình nguồn và lưới điện, thời gian qua EVN đã đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong giai đoạn 2011-2017, EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành 48 tổ máy nguồn điện với tổng công suất 14.292MW và 1.415 công trình lưới điện 110-500kV. Các công trình nguồn điện tiêu biểu là: Công trình Thủy điệ Sơn La (2.400 MW) khánh thành ngày 23/12/2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm 1 năm so kế hoạch. Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 1 và 3... đã hòa lưới phát điện góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.
Hệ thống truyền tải được đầu tư với khối lượng lớn đã đáp ứng yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống. Tiêu biểu là các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam, kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam. Đã phát triển các công trình đường dây và trạm biến áp 220kV đến hầu hết các tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu điện các địa phương và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đã đáp ứng nhu cầu điện cho các tổ hợp công nghiệp FDI có quy mô lớn và cấp bách như SAMSUNG (tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. HCM), kịp thời cấp điện phục vụ phát triển nông nghiệp như nuôi tôm công nghiệp, trồng thanh long, hệ thống bơm tưới tại các tỉnh khu vực miền Nam.
Về cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, EVN đã nỗ lực đầu tư cấp điện nông thôn, trọng điểm là các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và các khu vực nông thôn chưa được cấp điện.
Theo đánh giá của World Bank, Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, số xã có điện trên cả nước đạt 99,98% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,83%. Tỷ lệ dân dùng điện ở nước ta hiện đã cao hơn một số quốc gia có điều kiện kinh tế bằng, hoặc khá hơn Việt Nam như: Indonesia, Philippines.
Đến nay, EVN đã tiếp nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo, gồm huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Kiên Hải (Kiên Giang), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Trường Sa (Khánh Hòa) và Cồn Cỏ (Quảng Trị), đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Về giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng: trong những năm qua, EVN đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về kỹ thuật và quản lý kinh doanh để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Năm 2016, tổn thất điện năng giảm còn 7,57% và phấn đấu giảm xuống 7,47% trong năm 2017.
Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong khâu cấp điện mới và đã được Doing Business ghi nhận có các cải cách lớn đảm bảo công khai, minh bạch và ngày càng tốt hơn theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho khách hàng. Đến cuối năm 2017, 100% các dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đều có thể thực hiện đăng ký trực tuyến và đây là một trong những nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, cải thiện độ tin cậy cung cấp điện để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng sử dụng điện trên cả nước.
Đối với EVN, trong thời gian tới, bên cạnh những điểm thuận lợi như luôn được Đảng, Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng, Tập đoàn cũng luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, những khó khăn lớn cần phải kể tới là:
Thứ nhất, công tác sản xuất, kinh doanh điện và đầu tư tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào biến động, khó dự báo trước như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Giá bán điện do Nhà nước quy định và điều tiết theo các mục tiêu kinh tế vĩ mô, chưa hoàn toàn tuân theo quy luật của thị trường, khó có thể điều chỉnh kịp thời theo biến động của chi phí đầu vào. Do đó, việc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tại Tập đoàn ngày càng khó khăn.
Thứ hai, nhu cầu sử dụng điện ở nước ta tiếp tục tăng trưởng cao, tạo ra thách thức lớn đối với đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện. Thu xếp đủ lượng vốn rất lớn để thực hiện khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện mới và hiện đại hóa hệ thống điện hiện có là nhiệm vụ khó khăn rất lớn đối với EVN. Trong khi đó Chính phủ chủ trương hạn chế bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trong nước siết chặt các quy định về giới hạn cho vay.
Thứ ba, việc đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng trở nên khó khăn hơn, gia tăng tỷ trọng nguồn than nhập khẩu, nguồn khí trong nước suy giảm.
Thứ tư, các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan có thể tác động xấu, thường xuyên hơn tới sản xuất, kinh doanh điện và đặt ra nhiều thách thức mới đối với EVN. Một mặt phải xây dựng khả năng ứng phó với các hiện tượng môi trường và khí hậu cực đoan để duy trì sản xuất, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất, truyền tải và phân phối điện tới môi trường sinh thái.
Thứ năm, việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp trong bối cảnh quy hoạch của các địa phương còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, cơ chế chính sách trong đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải trong tương lai.
Năng lượng Việt Nam: Mới đây, Chính phủ đã ban hành giá điện năng lượng tái tạo, trong đó giá bán điện gió và điện mặt trời cao hơn khá nhiều so với giá bán lẻ bình quân của EVN, song so với khu vực và thế giới thì giá này còn thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Xin ông cho biết quan điểm của EVN về vấn đề này?
Ông Dương Quang Thành: Tôi cho rằng, nói là giá bán điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực, cũng như trên thế giới và chưa hấp dẫn đầu tư là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, trên thực tế, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã có khoảng trên 10.000 MW công suất dự án điện mặt trời được đăng ký để bổ sung quy hoạch. Điều này chứng tỏ cơ chế FIT (Feed-in-tariff: giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào lưới điện) áp dụng cho điện mặt trời là rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Riêng đối với điện gió, sau gần 7 năm ban hành cơ chế FIT và PPA mẫu áp dụng cho khuyến khích phát triển điện gió, số lượng các dự án và tổng công suất mới được xây dựng, đưa vào vận hành chưa nhiều nên Chính phủ đang có kế hoạch để tăng FIT cho điện gió nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta là nước có thu nhập trung bình, giá bán lẻ điện đang được Chính phủ giữ ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực và thế giới thì việc phát triển năng lượng mới phải tính đến yếu tố kinh tế, rẻ làm trước, đắt làm sau.
Lợi ích kinh tế của một dự án phải tính đến chi phí bản thân dự án, nguồn năng lượng tái tạo sơ cấp tại khu vực dự án và chi phí đấu nối do EVN phải bỏ ra.
Tôi cho rằng, FIT trong giai đoạn hiện nay không nên khuyến khích các dự án có tốc độ gió và mức độ bức xạ thấp hoặc cũng không nên khuyến khích các dự án ở quá xa lưới truyền tải của EVN dẫn đến chi phí đấu nối quá lớn... Cơ chế FIT cần được thực hiện một các linh hoạt, tương tự như các nước đã làm, đó là Chính phủ ban hành FIT - đo lường công suất đầu tư mới trong một thời gian nhất định - điều chỉnh khi cần thiết, đảm bảo mục tiêu phát triển từng loại hình năng lượng tái tạo với từng mốc thời gian.
Về phía EVN, chúng tôi luôn nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương phát triển năng lượng mới của Chính phủ. EVN đã chủ động tham gia cùng với Chính phủ để ban hành các cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, rác thải rắn và mặt trời); góp ý kiến bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo. Tăng cường khả năng để có thể truyền tải được nguồn năng lượng mới vào lưới điện quốc gia theo đúng quy hoạch được duyệt. Ký kết và thực hiện PPA theo mẫu với chủ đầu tư do Chính phủ quy định.
Năng lượng Việt Nam: Việc đấu nối các dự án điện mặt trời công suất lớn vào hệ thống điện quốc gia là một vấn đề rất phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy và an toàn cung cấp điện. Xin ông cho biết ý kiến đánh giá và những giải pháp của EVN trong việc chuẩn bị đón nhận các dự án điện mặt trời vào vận hành những năm sắp tới?
Ông Dương Quang Thành: Việc sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời là xu thế tất yếu của phát triển nguồn năng lượng mới bên cạnh các dạng năng lượng truyền thống như thuỷ điện và nhiệt điện than, khí. Hiện tại công suất điện mặt trời trong hệ thống điện quốc gia không đáng kể và chưa ảnh hưởng lớn đến vận hành hệ thống.
Trong tương lai gần, với một loạt các dự án đã được phê duyệt (tính đến cuối tháng 10/2017 đã phê duyệt 30 dự án (trên tổng số 137 dự án đề xuất bổ sung quy hoạch, tổng công suất 11.150MW) trong đó quy mô dự án lớn nhất lên tới 2.000MW và các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, miền Nam (các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Đăk Lắk,…), việc vận hành hệ thống điện sẽ gặp những thách thức lớn liên quan đến ổn định, tin cậy và an toàn cung cấp điện.
Theo tôi, thách thức lớn nhất là sự bất định và khó lường của lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời do phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Với đặc thù của hệ thống điện Việt Nam, lưới điện ba miền được liên kết qua đường dây 500kV Bắc - Nam, nếu như xảy ra tình huống sụt giảm công suất lớn tức thời từ các nhà máy điện mặt trời khu vực miền Trung, miền Nam sẽ lập tức tạo ra trào lưu công suất tăng đột biến trên trục truyền tải 500kV, trường hợp công suất điều tần không đủ sẽ rất dễ dẫn tới sa thải phụ tải trên diện rộng, cực đoan nhất có thể gây rã lưới, sụp đổ hệ thống.
Lường trước những khó khăn trên, EVN đã giao Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thực hiện dự án "Tính toán ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo gió, mặt trời đến vận hành hệ thống điện quốc gia" và trong đầu năm 2018 sẽ có kết quả cụ thể. Một trong những nội dung của dự án này là các giải pháp kỹ thuật cần thực hiện tương ứng với từng mức độ thâm nhập của điện mặt trời trong tổng cơ cấu nguồn điện. Tích trữ năng lượng và nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc, dự báo thời tiết sẽ là những vấn đề cơ bản để nâng cao khả năng vận hành an toàn hệ thống điện.
Chúng tôi sẽ chủ động nghiên cứu và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về các yêu cầu kỹ thuật cụ thể đối với các dự án điện mặt trời, cũng như phân định trách nhiệm của các bên liên quan để đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia ổn định, an toàn và tin cậy.
Năng lượng Việt Nam: Có thể nói, năm 2017 là một năm nhiều nước (tần suất thủy văn thấp) nên lượng nước về các hồ chứa thủy điện rất dồi dào. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vào các tháng mùa nước vừa qua các nhà máy nhiệt điện than tại các tỉnh phía Bắc hầu như chỉ chạy với một nửa công suất định mức và thị trường phát điện cạnh tranh tạm dừng hoạt động. Xin ông cho biết đánh giá của EVN về những tác động tích cực (giảm chi phí sản xuất toàn hệ thống) và tiêu cực (thiệt hại kinh tế đối với các công ty nhiệt điện tham gia thị trường điện) của sự việc này?
Ông Dương Quang Thành: Đối với hệ thống có tỷ lệ công suất đặt của thủy điện tương đối lớn như Việt Nam, thì rõ ràng cơ cấu sản lượng thực tế thủy điện và nhiệt điện phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải, nếu vào năm nước ít, sản lượng thủy điện sẽ thấp hơn sản lượng điện trung bình năm thì sản lượng nhiệt điện sẽ tăng cao. Ngược lại, vào những năm nhiều nước, sản lượng nhiệt điện không cao như năm bình thường. Lý do dẫn đến các thay đổi trên là do chi phí biên ngắn hạn của thủy điện là thấp nhất trong các loại hình sản xuất điện. Do vậy để khai thác tối đa năng lượng lượng thủy điện, ngay cả ở năm nước về bình thường, thì vào mùa lũ các nhà máy nhiệt điện đều khai thác thấp và được bố trí lịch sửa chữa trong thời gian này.
So với chế độ vận hành trước khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy nhiệt điện than vào những năm nước nhiều về mặt tài chính được bảo vệ tốt hơn. Do tỷ lệ sản lượng ký theo Hợp đồng CfD (Qc) đạt 90% sản lượng điện kế hoạch năm, ngoài sản lượng điện thực phát được thanh toán bằng giá hợp đồng, phần sản lượng thiếu so với Qc được thanh toán bằng chênh giữa giá hợp đồng và giá thị trường. Trong những thời điểm nước về tốt, giá thị trường xuống thấp và khoản thanh toán trên sẽ dương.
Nói tóm lại, với một hệ thống có thủy điện và được phát triển theo quy hoạch thì về mặt dài hạn rủi ro của các nhà máy thủy điện và nhà máy nhiệt điện là tương đương. Tuy nhiên cơ chế thị trường đã hạn chế rủi ro cho các nhà máy nhiệt điện than trong những năm nước về nhiều hoặc các nhà máy thủy điện trong những năm nước về ít tốt hơn so với trước đây.
Năng lượng Việt Nam: Ông có thể chia sẻ về những thách thức của ngành điện hiện nay, cũng như những định hướng phát triển của EVN trong năm 2018 và những năm tiếp theo?
Ông Dương Quang Thành: Ngành điện nói chung và EVN nói riêng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Thứ nhất là việc đảm bảo công suất và sản lượng điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong thời gian tới. Dự báo nhu cầu điện của Việt Nam trong giai đoạn tới tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Tuy nhiên, EVN chỉ chủ động trong sản xuất điện khoảng trên 40% so với tổng nhu cầu và sẽ có xu thế giảm dần, còn lại sẽ phụ thuộc vào các nhà đầu tư khác. Trong khi đó cơ chế quản lý hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để kiểm soát tiến độ của các nhà đầu tư nguồn điện. Bên cạnh đó, giá điện thấp, chưa tiếp cận được giá thị trường và bị chi phối nên khó thu hút đầu tư từ các công ty ngoài ngành cũng như công ty nước ngoài.
Thứ hai, các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, công nghệ hiện đại hơn, đồng nghĩa với chi phí đầu tư tăng lên. Tuy nhiên giá điện do nhà nước điều tiết và chưa hoàn toàn tuân theo nguyên tắc thị trường sẽ là thách thức rất lớn đối với ngành điện trong công tác đầu tư mới cũng như nâng cấp, vận hành các nhà máy điện cũ để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
Thứ ba, trong tương lai gần ngành điện sẽ tiến tới phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu than và khí cho sản xuất điện do các nguồn nhiên liệu, năng lượng sơ cấp ở nước ta đang ngày càng cạn kiệt dần, không đảm bảo cho sản xuất điện.
Thứ tư, thời gian vừa qua, các hiện tượng môi trường và khí hậu cực đoan thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện, gây thiệt hại nặng nề và tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian để xử lý, khắc phục, ổn định sản xuất.
Thứ năm, như trên đã nói, trước xu thế các dự án điện mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia ngày càng tăng cao, ngành điện sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia ổn định, an toàn và tin cậy do sự bất định và khó lường của lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời.
Năng lượng Việt Nam: Xin cảm ơn ông!
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Dẫn link Tạp chí Năng lượng Việt Nam