Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Đình Tùng
|
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Đình Tùng:
Chủ động công nghệ, thiết bị
Theo dự báo đến năm 2030, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung cấp điện. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phải song hành cùng phát triển bền vững và hiệu quả thân thiện với môi trường là yêu cầu cấp bách đặt ra.
Các số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong thời gian qua, với mức tăng trưởng điện khoảng hơn 10%/năm, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trung bình 11%/ năm (giai đoạn 2011-2016).
Với nhu cầu này, Việt Nam đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, việc nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa nguồn cung cấp đang được các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm, trong đó từng bước làm chủ công nghệ, nội địa hóa sản phẩm, tránh phụ thuộc vào việc nhập khẩu thiết bị nước ngoài.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Trong đó, chú trọng nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp khoa học tiết kiệm năng lượng trong các khâu sản xuất, chế tạo…
Hướng tới những giải pháp này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết bài toán công nghệ trong ngành Năng lượng. Để phát triển công nghệ năng lượng, Việt Nam cần có sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đối tác có trình độ công nghệ tiên tiến…
Ông Nguyễn Văn Cao
|
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế:
Quản lý chặt nguồn nước trong mùa lũ và mùa cạn
Rõ ràng, những đóng góp của các nhà máy thủy điện từ lớn đến vừa và nhỏ đối với các địa phương là không thể phủ nhận, nếu quản lý tốt, thủy điện nhỏ sẽ cho hiệu quả cao về phát điện, mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương, đồng thời gắn với sử dụng tốt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt và đời sống nhân dân.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Theo đó, có 22 dự án, nhưng sau khi rà soát kỹ, chỉ giữ lại 13 dự án, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 7 dự án đang trong giai đoạn đầu tư.
Qua quá trình theo dõi vận hành, chúng tôi thấy rằng, đây là nguồn năng lượng tái tạo hết sức quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Để vận hành hiệu quả, an toàn các công trình thủy điện vừa và nhỏ, phải đặc biệt chú trọng quản lý nguồn nước, trong đó quan trọng nhất là quản lý trong mùa bão lụt, tức là phải có quy trình vận hành hồ chứa phù hợp và phải kiểm soát được việc thực hiện quy trình này.
Tại Thừa Thiên Huế, chúng tôi có hệ thống quản lý xả lũ bằng camera truyền tín hiệu trực tiếp về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh hoặc để quan sát các thông tin liên lạc mỗi khi xả lũ vào mùa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền điều hành toàn bộ việc xả lũ. Thứ 2 là, chúng tôi cũng tính toán kỹ nguồn nước ở hạ lưu và nguồn nước cần thiết cho nông nghiệp. Vì vậy, đến mùa hạn, chúng tôi chủ động có kế hoạch phối hợp phát điện cho phù hợp với mức nước phục vụ nông nghiệp và dân sinh.
Tuy nhiên, theo tôi, muốn làm tốt việc này, rất cần có sự phối hợp của EVN, tức là trong mùa lũ lụt thì phải ưu tiên cho các nhà máy thủy điện có hồ chứa tham gia vào cắt lũ được phát điện, như vậy thì sẽ đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời chủ động trong thoát lũ vùng hạ du.
Ông Đỗ Đức Quân
|
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương):
Cần chú trọng 5 giải pháp
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về thủy điện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu sự quan tâm.
Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành, gây bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, để phát triển bền vững và vận hành hiệu quả thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam, theo tôi, cần chú trọng 5 giải pháp:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện các công trình thủy điện đang vận hành khai thác.
Hai là, tăng cường hơn nữa chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ba là, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.
Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác.
Năm là, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng sớm xem xét bổ sung, điều chỉnh các Nghị định, Thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng với việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững; xem xét việc thu hút đầu tư vào thủy điện nhỏ từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư huyện ủy Mường La (Sơn La):
Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và chủ đầu tư
Ông Nguyễn Thành Công
|
Trên địa bàn huyện Mường La có 20 công trình thủy điện vừa và nhỏ, trong đó có 12 nhà máy đã đi vào hoạt động (tổng công suất 176 MW), 8 công trình đang thi công. Các công trình vận hành ổn định, nhiều dự án đã trồng lại rừng, hầu hết không ảnh hưởng đến tái định cư cũng như đời sống người dân vùng thượng lưu, hạ lưu. Cùng với đó, việc xả lũ đã theo đúng quy trình được duyệt, giúp điều tiết được nguồn nước.
Các dự án khi đi vào hoạt động đã đóng góp phần lớn ngân sách cho huyện (năm 2016 thu 88,6 tỷ đồng, bằng 70,8% tổng thu ngân sách; 8 tháng đầu năm 2017 thu 50,8 tỷ đồng, bằng 55% tổng thu ngân sách).
Nguồn thu từ các nhà máy thủy điện nhỏ đã giúp huyện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo việc làm cho nhân dân, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, các dự án đã thu hút lao động địa phương trong quá trình xây dựng cũng như vận hành, đảm bảo thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, việc đầu tư và xây dựng các công trình thủy điện đã tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn Huyện như, điện, đường, trường, trạm…
Tuy nhiên, để phát triển bền vững thủy điện nhỏ, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành và địa phương, thực hiện tốt quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện bền vững trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa phát triển kinh tế với môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc biệt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc.
Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập