Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành tại Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Ba Hạ (SBH) đã triển khai thực hiện ứng dụng các phần mềm vào công tác quản lý và sản xuất kinh doanh tại đơn vị.


Từ năm 2013, thuật ngữ “chuyển đổi số” bắt đầu được sử dụng trong một số báo cáo của Chính phủ các nước và các Doanh nghiệp trên thế giới trong đó có Việt Nam chúng ta. Bắt đầu từ năm 2020 đến nay, thuật ngữ này thường xuyên được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chúng ta có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu: Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.(1)

Tác động của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.(2)

 Chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với Doanh nghiệp, từ những văn bản hướng dẫn và các buổi hội thảo về chuyển đổi số do Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) tổ chức, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Ba Hạ (SBH) đã triển khai thực hiện ứng dụng các phần mềm vào công tác quản lý và sản xuất kinh doanh tại đơn vị, cụ thể như:

Phần mềm hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS);
Phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP);
Phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS)….
 

Phần mềm PMIS giúp cho công tác quản lý vận hành Nhà máy Thuỷ điện Sông Ba Hạ an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí. Đồng thời, việc triển khai hệ thống phần mềm một cách thống nhất, xuyên suốt sẽ tạo điều kiện tổng hợp, báo cáo thuận lợi và dễ dàng giữa các cấp quản lý.


Hiện nay công tác tổng hợp số liệu báo cáo thuỷ văn, công suất, sản lượng … của 2 tổ máy Nhà máy Thuỷ điện Sông Ba Hạ đã được số hoá trên phần mềm PMIS. Bên cạnh đó, việc giao nhận ca và ghi nhật ký vận hành của 2 tổ máy cũng đã được thực hiện trực tiếp trên phần mềm này. Điều này sẽ giúp cho việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu dễ dàng, nhanh chóng và chính xác.

Cấu tạo, đặc tính, thông số kỹ thuật…của thiết bị đã được cập nhật lên PMIS

Đối với việc quản lý tài liệu kỹ thuật, các bản vẽ về cấu tạo, nguyên lý làm việc và lập kế hoạch, dự toán sửa chữa,… của 02 tổ máy, Công ty cũng đã đồng bộ tất cả các dữ liệu và các hệ thông thiết bị phụ trợ lên phân hệ RCM (sửa chữa tập trung vào độ tin cậy) của phần mềm PMIS. Đặc biệt, việc phân tích đánh giá RCM dựa trên các phân tích chế độ sự cố và hiệu quả kinh tế bao gồm: Xác suất sự cố và tính toán độ tin cậy của hệ thống; Xác định các nhiệm vụ bảo trì thích hợp để giải quyết từng chế độ hư hỏng và hậu quả của nó; Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành 02 tổ máy.

Khi áp dụng mô hình chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như: chuyển đổi số sẽ mất rất nhiều thời gian, phải chuẩn bị đội ngũ có năng lực để theo kịp sự thay đổi công nghệ và chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp với nhau trong công việc … Tuy nhiên với những hiệu quả tích cực mà chuyển đổi số mang lại, trong thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng dụng mô hình chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị./. 

                                                                                                                                                                                                                                            Nguyễn Thành Lâm   

                                                                                                                                                                               (1), (2): Sử dụng định nghĩa trên trang CỔNG THÔNG TIN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG