Năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, Năm 2025 trở thành doanh nghiệp số là hai mục tiêu quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), góp phần đáp ứng tốt nhiệm vụ cung ứng điện phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo đó, các đơn vị trong ngành điện đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực hoạt động.
Hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số của EVN, EVNGENCO2, Công ty Thuỷ điện An Khê – Ka Nak (AKKN) xác định đây là hành trình từ “thay đổi nhận thức” đến “hình thành ý tưởng” và “chuyển hóa vào thực tế” để “mang lại giá trị thực” và trở thành “hơi thở cuộc sống” của mỗi CBCNV. Công ty đã áp dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0 trên nền tảng số hóa tạo nên những kết quả tích cực ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó phải kể đến những kết quả quan trọng trong công tác sửa chữa bảo dưỡng hệ thống thiết bị Nhà máy Thủy điện An Khê - Ka Nak.
Trước đây, các hồ sơ, sổ sách công trình hệ thống thiết bị tại các nhà máy được quản lý trên giấy hoặc phần mềm ứng dụng phân tán. Còn nay Công ty đã xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ trên phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn điện (PMIS) dùng chung của EVN. Các hệ thống thiết bị của nhà máy như Tuabin thủy lực, Máy phát điện, Hợp bộ máy cắt đầu cực máy phát, Thiết bị cấp điện áp máy phát (13,8 kV), Máy biến áp lực… đều được cập nhật chính xác thông tin về hồ sơ lý lịch, lịch sử vận hành, lịch sử sự cố… trong phần mềm này. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong chuyển đổi số công tác quản lý vận hành nhà máy điện, đưa nhà máy từ không gian thực vào không gian số, từ đó làm cơ sở để xây dựng phương án “Sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM)” thay cho các phương pháp truyền thống trước đây.
Các hệ thống thiết bị của nhà máy được quản lý trên hệ thống phần mềm PMIS
Từ năm 2022 trở đi, toàn bộ các danh mục sửa chữa lớn ngoài tổ máy sẽ được Công ty áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM; số hóa quy trình xử lý khiếm khuyết thiết bị, quy trình giám sát, nghiệm thu sửa chữa lớn trên phần mềm PMIS thay cho quy trình truyền thống. Để thực hiện tốt được điều đó, ngay từ những năm 2020, Công ty đã đề ra lộ trình xây dựng bảng phân tích đối với từng hệ thống thiết bị thuộc 02 nhà máy An Khê và Ka Nak. Đến nay, Công ty cơ bản đã cập nhật đầy đủ thông số chính thiết bị của các tổ máy; cập nhật 100% nội dung bảng bối cảnh vận hành (OC), bảng phân tích đánh giá RCM cho 04 tổ máy của 02 Nhà máy và thực hiện phê duyệt phương án kỹ thuật sửa chữa lớn năm 2022 theo phương pháp RCM. Việc áp dụng phương pháp RCM giúp mang lại hiệu quả cao cho việc lập phương án sửa chữa các hệ thống thiết bị, cập nhật đầy đủ danh mục hệ thống cần phân tích, từ đó hàng năm sẽ theo dõi và thực hiện phân loại, lựa chọn để áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng phù hợp giúp giảm suất sự cố thấp nhất và tăng hệ số khả dụng.
Kiểm tra, sửa chữa van đĩa H1 – Nhà máy Thủy điện Ka Nak
Công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ở Công ty nói chung và trong công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị nói riêng bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tối ưu hóa thời gian, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy, nâng cao độ tin cậy trong công tác vận hành, sản xuất điện an toàn, hiệu quả. Để đạt được những thành quả lớn hơn trong thời gian tiếp theo, Thủy điện An Khê – Ka Nak sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực. Đề cao kỷ luật lao động với mục tiêu an toàn, hiệu quả, thực hiện theo chủ đề năm của toàn EVN “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.
Thanh Tiến – Thu Hoài