Ba câu chuyện về nhân sự của Jack Ma ở Tập đoàn Alibaba dưới đây sẽ rất hữu ích cho những người quản lý doanh nghiệp.
Tuyển dụng nhân sự phù hợp
Jack Ma là người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - một tập đoàn lớn của Trung Quốc. Ông còn là người nổi tiếng với nhiều quan điểm khác biệt về quản trị kinh doanh, trong đó có triết lý tuyển dụng và đào tạo, phát triển nhân sự. Đây là một quá trình hình thành và thay đổi quan điểm từ ưu tiên chọn người phù hợp đến chọn người thông minh và hiện nay là chọn nhân tài phù hợp với văn hóa doanh nghiệp (VHDN).
Tập đoàn Alibaba được thành lập năm 1999. Lúc khởi nghiệp, Tập đoàn phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn khi khách hàng vẫn cho rằng, hoạt động thương mại điện tử của các DN nội địa là lừa đảo. Vì vậy, 18 sáng lập viên và cán bộ chủ chốt của Tập đoàn hầu như không có lương vì trong gần 4 năm đầu DN luôn thua lỗ. Họ phải bỏ tiền túi ra tự mua, tự bán hàng hóa của nhau, tạo lập thị trường mới. Mặc dù vậy, Jack Ma là người vẫn rất kiên định. Ông đã xác định đúng giá trị cốt lõi của Alibaba: Khách hàng là thượng đế, tinh thần đồng đội và sự minh bạch trong kinh doanh.
Thời kỳ lập nghiệp, Jack Ma đã thực hiện triết lý tuyển dụng những người thích hợp nhất, không phải tìm người thành công nhất. Nhưng đến khi bắt đầu thành đạt, ông đã tuyên bố: “Khi tuyển người, tôi luôn muốn thuê những người thông minh hơn mình”. Ông cũng đưa ra lời khuyên dành cho đồng nghiệp: “Trong quá trình tuyển dụng, nếu gặp một người mà bạn nghĩ rằng họ có thể trở thành sếp của mình trong vòng 5 năm tới, hãy thuê họ ngay lập tức”.
Sa thải nhân viên xuất sắc, bằng cấp cao
Cuối năm 2002, năm kinh doanh đầu tiên có lãi, Jack Ma phát hiện có hai nhân viên mang về tới 60% tổng doanh thu của Alibaba. Kết quả đó có được là do hai nhân viên đã dùng phương pháp "lại quả" cho khách hàng - mội chuyện rất bình thường trong kinh doanh thời đó, song lại trái với giá trị minh bạch, liêm chính của Alibaba.
Jack Ma đối mặt với tình thế khó xử. "Nếu chúng tôi sa thải họ ngay lập tức, Công ty sẽ không có lãi. Trong trường hợp không loại họ, giá trị của Công ty sẽ là gì? Mọi người sẽ đánh giá lời nói của chúng tôi là vô nghĩa. Vì vậy, chúng tôi quyết định sa thải hai người" - Jack Ma kể.
Từ đó, quy tắc "không hối lộ" đã trở thành nền tảng trong ứng xử đối với mọi người của Alibaba. Ông đã từng sa thải một chuyên viên đào tạo vì đã có những sai lầm. Chuyên viên ấy đã giới thiệu “cách thức bán được lược cho các vị sư!”. Chỉ sau 5 phút, Jack Ma đã vô cùng giận dữ và sa thải anh ta vì anh ta đã gian lận, các vị sư sãi đâu có cần lược chải đầu?
Sau khi được Goldman Sachs đầu tư, Jack Ma đã chiêu mộ rất nhiều tài năng từ Hồng Kông và Mỹ. 12 thành viên của ban lãnh đạo cao cấp đều từ nước ngoài về, trừ Jack Ma. Những năm tiếp theo, Alibaba tuyển được nhiều người trẻ có bằng MBA hơn, có cả MBA của Harvard, Stanford… nhưng 95% số đó đã bị Jack Ma sa thải. Bởi vì, những người này mới vào đã đòi mức lương rất cao, thấp nhất là 100 nghìn Nhân dân tệ, họ hay nói đến chuyện chiến lược, nhưng lại thiếu năng lực thực thi và đặc biệt lại coi nhẹ VHDN của Alibaba.
Jack Ma đánh giá: “Những lễ nghi cơ bản, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, tinh thần yêu nghề của họ đều trong tình trạng báo động”. Jack Ma không phủ nhận trình độ của họ, nhưng vấn đề ở chỗ, bằng lái máy bay liệu có phù hợp để lái máy kéo? Những nhân tài phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mới là nhân tài thực sự.
Phát triển nhân tài phù hợp với “văn hóa chăm chỉ”
Cốt lõi tư tưởng văn hóa của Tập đoàn Alibaba hiện nay là “Văn hóa chăm chỉ”. Theo Jack Ma, văn hóa này “hướng đến việc tuyển chọn, nuôi dưỡng, đào tạo và phát triển những người tự giác, chủ động, làm việc vì đam mê, không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân, trở thành chuyên gia thực thụ.
Vì vậy, mô hình nhân viên phù hợp với Alibaba là ý tưởng, khả năng sáng tạo có thể chỉ ở mức hạng ba song năng lực thực hiện là hạng nhất. Lý do là trong thời đại internet, mọi thứ đều thông tin hóa và khó dự đoán, Alibaba không lên kế hoạch trước mà luôn làm theo khẩu hiệu: “bây giờ, lập tức, ngay”.
Nhân sự mà Alibaba tích cực tìm kiếm và đào tạo, phát triển không chỉ là nhân tài trong công việc mà là các nhân tài phù hợp với VHDN.
Một số suy nghĩ về tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam
Từ những câu chuyện trên, chúng ta cũng cần thấy mặt tích cực và những hạn chế trong cách tuyển chọn của Jack Ma. Sở dĩ ông Jack Ma làm được điều đó là vì DN hoàn toàn thuộc sở hữu của ông. Ông vừa là cổ đông lớn nhất, vừa có quyền lãnh đạo cao nhất, là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Alibaba.
Ở nước ta hiện nay, quản trị nhân sự căn cứ vào vị trí việc làm, theo khung năng lực, đánh giá nhân sự theo KPI… không khác nhiều so với quan điểm tuyển dụng phù hợp với VHDN đã nói ở trên. Tuy nhiên, để tránh tiêu chí “phù hợp với VHDN” hay “phù hợp với DN” có thể bị lạm dụng, bị giải thích và quyết định phụ thuộc vào sự cảm tính, ý chí chủ quan của người lãnh đạo, quản lý, thì các DN nước ta cần sớm chú trọng nhiệm vụ xây dựng một hệ thống VHDN công khai, minh bạch bằng văn bản, quyết định có giá trị pháp lý.
Và quan trọng hơn nữa, đội ngũ nhân sự của DN, từ cấp lãnh đạo cao nhất trở xuống, đều phải thực hiện công việc, nhiệm vụ của mình phù hợp VHDN đã được ban hành một cách thành tín, nghiêm túc và lâu dài.