Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Được biết, ngành điện vẫn là một trong những ngành được Chính phủ cho phép bảo lãnh, nhưng Nghị định số 04/2017/NĐ-CP mới ban hành của Chính phủ giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 80% xuống còn không quá 70% tổng mức đầu tư tùy theo mức độ quan trọng của chương trình, dự án.
Ngoài ra, giá than đầu vào liên tục gia tăng (chỉ tính riêng từ ngày 24/12/2016 đến nay đã tăng 7%) nhưng chưa được đưa vào cân đối trong giá bán điện hiện hành khiến chi phí sản xuất điện đội lên hàng nghìn tỷ cũng đang gây ra khó khăn về nguồn vốn cho EVN.
Tuy nhiên, theo tính toán của EVN, để duy trì tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và công trình cấp bách từ nay đến 2020, trung bình mỗi năm EVN sẽ cần phải huy động vốn đầu tư khoảng 5-6 tỉ USD.
Được biết, hiện mỗi năm trái phiếu Chính phủ chỉ có thể huy động khoảng 2 tỷ USD.
Để có thể huy động nguồn vốn lớn như vậy, EVN đang tính đến phương pháp dùng hợp đồng mua bán điện, cùng với tài sản hình thành nhà máy để thế chấp vay ngân hàng không cần bảo lãnh chính phủ đối với những dự án nguồn điện lớn.
EVN cũng sẽ tính đến phương án thành lập các công ty hạch toán phụ thuộc, ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với các tổng công ty điện lực, dùng hợp đồng mua bán điện đó cùng với tài sản để hình thành nhà máy làm thế chấp vay ngân hàng không có bảo lãnh chính phủ.
Với phương án này, EVN sẽ có thể chủ động trong việc thu xếp vốn cho các dự án, đảm bảo kế hoạch thu xếp đủ vốn để bù đắp tăng trưởng điện trong tương lai và đầu tư mới.
Bên cạnh đó, EVN cũng phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp để tất cả các đơn vị của tập đoàn đảm bảo được các chỉ tiêu tài chính và đạt được mục tiêu tự phát hành trái phiếu, không cần bảo lãnh chính phủ.
Ngoài ra, EVN cho biết sẽ tính đến việc phát hành trái phiếu nước ngoài để tăng thêm nguồn vốn. Dự kiến đến năm 2018 - 2019, EVN phải phát hành trái phiếu quốc tế.
"Đây là giải pháp huy động vốn vẫn thường được sử dụng trên thị trường quốc tế, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, EVN sẽ tăng cường làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước xây dựng chuẩn mực, để có thể triển khai phương án này trong thời gian tới", đại diện EVN cho biết.
Trong tháng 2 vừa qua, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có yêu cầu EVN phải kiểm soát chặt chẽ dự toán chi, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền.