Chuyển đổi số EVN - một hành trình tất yếu

EVN là một doanh nghiệp với ngành nghề truyền thống là điện lực, một ngành nghề với hơn 100 năm phát triển; đang đứng trước sự chuyển đổi của nền kinh tế, của đất nước, có chuyển đổi số hay không.

1. Một hành trình tất yếu

 EVN là một doanh nghiệp với ngành nghề truyền thống là điện lực, một ngành nghề với hơn 100 năm phát triển; đang đứng trước sự chuyển đổi của nền kinh tế, của đất nước, có chuyển đổi số hay không. Có rất nhiều yếu tố tác động, thôi thúc EVN chuyển đổi số:

- Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định năng lượng là một trong tám lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.

Cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 đã mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng

- Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 và có thể còn kéo dài, khi Việt Nam thực thi các chính sách giãn cách xã hội thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số càng trở nên thiết yếu. Nhờ có hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông tốt, thông tin quản lý điều hành thông suốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của EVN không những không bị đình trệ mà còn duy trì sự phát triển tốt. Đây là yếu tố lợi thế, cần tiếp tục phát huy.

- Biến đổi khí hậu toàn cầu, các cảnh báo về suy thoái môi trường, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên hóa thạch cùng với tiến bộ nhanh về công nghệ công nghiệp năng lượng đang dẫn đến sự chuyển dịch mạnh cơ cấu năng lượng những năm gần đây. Đặc biệt sự thâm nhập của năng lượng tái tạo ngày càng cao, cuối năm 2020 tổng công suất các nguồn điện mặt trời, điện gió đã gần 17.000MW, chiếm tỷ trọng hơn 25%, trong đó các nguồn điện phân tán như điện mặt trời mái nhà đấu nối vào hệ thống đã vượt mốc 100.000 công trình, đây là thách thức vô cùng lớn đối với sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia nếu không có những giải pháp mới về giám sát, điều khiển.

- Các đối tác của EVN (ngân hàng, nhà cung cấp, nhà thầu…) và các cơ quan quản lý đang chuyển đổi số mạnh mẽ, họ yêu cầu EVN kết nối và cung cấp dịch vụ cho hệ sinh thái số của họ (dịch vụ công, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thuế…)

- Năng lực công nghệ số và nhu cầu về các tiện ích của khách hàng ngày càng cao, yêu cầu các sản phẩm dịch vụ EVN cung cấp phải đảm bảo chất lượng, tin cậy, minh bạch. Tỷ lệ dùng smartphone ở Việt Nam hiện nay đã khoảng 50% (*) và dự kiến Việt Nam sẽ phổ cập toàn dân sử dụng smartphone vào năm 2025.

- Sự trưởng thành các công nghệ số mới (AI, Bigdata, Cloud, Blockchain…) với việc thay đổi cách giải quyết nhiều bài toán phức tạp đã dẫn đến hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

- Ngành Điện các nước đang chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt là các nước phát triển, nếu không có sự thay đổi có tính bứt phá thì rất khó để EVN đuổi kịp và hòa nhập.

Qua những yếu tố trên, có thể nói chuyển đổi số vừa là nhu cầu vừa là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển của EVN.

2. Ba giai đoạn chuyển đổi số của EVN

Có nhiều góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau để phân chia giai đoạn chuyển đổi số. Với EVN, chúng ta có thể chia ra 3 giai đoạn chuyển đổi số:

Giai đoạn 1: Số hóa tối đa từng phòng ban chức năng, bắt đầu từ các hoạt động cốt lõi rồi lan sang tất cả các hoạt động khác. Về cơ bản EVN đã trải qua giai đoạn này với việc tạo ra rất nhiều hệ thống CNTT riêng biệt phục vụ các phòng ban chức năng khác nhau như: ERP, CMIS, EVNHES, HRMS, Digital Office, IMIS, PMIS, OMS,… Tại các đơn vị thành viên của EVN cũng đã sử dụng từ vài chục đến cả trăm hệ thống thông tin phục vụ các nhu cầu khác nhau của mình.

Hệ thống điện Quốc gia được trang bị các thiết bị hiện đại, giảm tối đa nhân lực trực vận hành

Giai đoạn 2: Tích hợp các hệ thống thông tin nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trải qua quá trình số hóa, các hệ thống thông tin ngày càng nhiều nhưng phân mảnh và rời rạc, dẫn tới nhu cầu tích hợp để chia sẻ thông tin giữa các bộ phận. Việc hình thành các trung tâm giám sát điều khiển, việc thu thập và tích hợp các dữ liệu để phục vụ các báo cáo quản trị là những ví dụ điển hình về giai đoạn này. Giai đoạn này mặc dù thông tin đã thông suốt giữa các phòng ban, hiệu quả hoạt động đã cải thiện nhưng chưa tạo được đột phá về mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số của EVN hiện có thể xem đang ở giai đoạn này.

Giai đoạn 3: Tận dụng sức mạnh của dữ liệu và các công nghệ số mới để số hóa và khai thác toàn diện các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ xử lý công việc, nâng cao năng suất lao động, tăng độ tin cậy, an toàn trong sản xuất và vận hành hệ thống điện; cung cấp dịch vụ thuận tiện, minh bạch cho khách hàng trên nền tảng số; đồng thời vừa góp phần vừa tạo động lực cho sự phát triển kinh kế, xã hội của quốc gia. Ở giai đoạn này, EVN tận dụng lượng dữ liệu vô cùng lớn của mình, ứng dụng các công nghệ số mới (AI, Bigdata, Cloud, Blockchain…), kết quả có thể dẫn đến thay đổi các mô hình vận hành cũ, không còn phù hợp để hình thành các mô hình mới, ví dụ như mô hình dự báo năng lượng tái tạo phân tán, giải pháp bảo trì tiên đoán, thay đổi mô hình trung tâm chăm sóc khách hàng...

3. Các bước đi chiến lược

Để có thể vượt qua giai đoạn số 2, bước vào giai đoạn 3 trên hành trình chuyển đổi số, EVN đã và đang thực hiện các bước sau:

- Hội đồng Thành viên EVN chỉ đạo xây dựng chiến lược và phê duyệt kế hoạch tổng thể chuyển đổi số, giúp định hướng, dẫn dắt toàn bộ quá trình chuyển đổi số trong toàn EVN quốc gia.

- EVN yêu cầu sự tham gia trực tiếp của các Phó Tổng giám đốc EVN phụ trách các lĩnh vực, Trưởng các Ban chức năng, người đứng đầu các đơn vị thành viên và toàn thể CBCNV vào chương trình chuyển đổi số.

- Phát triển hạ tầng ICT theo hướng hiện đại, đổi mới kiến trúc công nghệ theo hướng linh hoạt (Agile+Devops).

- Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

- Xây dựng chính sách sẵn sàng chấp nhận thay đổi, chấp nhận cái mới; một khi công nghệ số được áp dụng sẽ đòi hỏi quy trình, cách làm việc, thậm chí cả cơ cấu tổ chức có thể phải thay đổi. Các chính sách này khi được lan tỏa sẽ làm thay đổi nhanh nhận thức của lãnh đạo các cấp về chuyển đổi số và thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong toàn EVN.

- Phát triển và thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực về phân tích và xử lý dữ liệu, kiến trúc nền tảng, nhân lực về AI, có như vậy mới giúp tiến nhanh và vững chắc trên hành trình chuyển đổi số.

- Tăng cường đào tạo nhận thức và nâng cao năng lực công nghệ số cho toàn thể CBCNV.

Năm 2021, chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” đã được HĐTV EVN lựa chọn, đây thực sự là năm kiến tạo để EVN bứt phá trong chuyển đổi số cho những năm tiếp theo.

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phát triển song hành cùng sự phát triển của EVN. Chúng ta quyết tâm CHUYỂN ĐỐI SỐ để xây dựng một EVN phát triển nhanh, phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả và sẵn sàng thích ứng và hoà nhịp với sự phát triển nhanh của các nước tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi thật sự tin là EVN chúng ta sẽ làm được!

————————

(*) theo báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota.

                                                                                                                                                                                                   Tác giả: Trần Đình Nhân - Nguyễn Xuân Khải

 


  • Trần Đình Nhân - Nguyễn Xuân Khải