Các nhà máy thủy điện sẵn sàng ứng phó với bão lũ

Chuẩn bị đối phó với những diễn biến phức tạp trong mùa mưa năm nay, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều phương án để ứng phó khi có bão lũ xảy ra. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị này liên tục kiểm tra, cập nhật tình hình mưa lũ, không được chủ quan để đảm bảo an toàn cho công trình, giảm thiểu thiệt hại cho người dân khi phải xả lũ.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình hồ đập tại Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ - Ảnh: NGÔ XUÂN

Chủ động cảnh báo

Trước mùa mưa bão, Sở Công thương đã yêu cầu các nhà máy thủy điện tăng cường kiểm tra các công trình đập, tràn xả lũ, cống lấy nước, còi báo, hệ thống thông tin liên lạc..., và khắc phục các thiếu sót nếu có. Các nhà máy thủy điện cũng phối hợp các địa phương bảo dưỡng cột mốc cảnh báo lũ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết các thông số ghi trên cột mốc… Đến nay, các đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện đã hoàn tất việc kiểm định an toàn hồ đập, lên phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du sẽ bị ảnh hưởng do xả lũ hoặc sự cố đập thủy điện…

Các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng và La Hiêng 2 cũng đã lắp đặt camera giám sát mực nước hồ tại thượng lưu và hạ lưu đập tràn, truyền tín hiệu hình ảnh đến Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Các nhà máy cũng lắp đặt các trạm cảnh báo xả lũ tại đập tràn và hành lang xả lũ ở phía hạ du để thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, các đơn vị vận hành thủy điện cũng ký hợp đồng với Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ để cung cấp các bản tin dự báo thời tiết; lắp đặt trạm đo mưa, thiết bị đo mực nước hồ… để tính toán dự báo lưu lượng lũ về, phục vụ công tác vận hành điều tiết nước hồ chứa. Riêng thủy điện Krông H’Năng đã lắp đặt thiết bị đo mực nước hồ hiện đại, chính xác đến 1cm, đồng thời nâng cấp thiết bị đo mực nước hồ đảm bảo chính xác. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng còn lắp đặt 48 cột báo mực nước lũ tại 48 xã, phường, thị trấn dọc hạ du Sông Ba nhằm giúp nhân dân chủ động nhận biết khi các nhà máy xả lũ.

Ông Trương Văn Phong, phụ trách điều hành Nhà máy thủy điện Sông Hinh, cho biết: Theo kiến nghị của xã Ea Bia (huyện Sông Hinh), công ty vừa lắp đặt thêm 1 trạm cảnh báo xả lũ từ xa tại khu vực nhà máy nước Sông Hinh; đồng thời lắp 4 trạm cảnh báo xả lũ, đặc biệt tại vị trí có nhiều người qua lại. Đơn vị cũng tăng cường phối hợp với nhà máy thủy điện khác để vận hành liên hồ chứa, hạn chế việc xả lũ về hạ du cùng lúc. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường thời gian cảnh báo xả lũ để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, đơn vị đã lắp đặt 10 trạm cảnh báo xả lũ từ xa. Riêng năm 2017, đơn vị lắp đặt thêm 4 bộ cảnh báo lũ tại cầu Sông Ba và khu phố Đông Hòa (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa); thôn Phú Lộc (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa); thôn Phước Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa).

Không chủ quan

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Hiện nay, công tác chuẩn bị ứng phó với bão lụt của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất. Những hạng mục chính của các nhà máy thủy điện như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước… đang vận hành ổn định, an toàn, chưa thấy có dấu hiệu bất thường. Công tác vận hành, chuẩn bị trang thiết bị hỗ trợ trong mùa mưa lũ; việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng, vận hành thiết bị cũng được sớm triển khai. Các nhà máy cùng chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, kỹ năng phòng chống lụt bão.

Ông Nguyễn Đức Phú cho biết thêm, hiện đơn vị thường xuyên theo dõi mọi diễn biến của thời tiết; liên tục tổ chức lực lượng tuần tra các hồ đập để kịp thời phát hiện, khắc phục những hư hỏng nếu có. Đơn vị cũng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong việc ứng phó thiên tai.

Ông Nguyễn Như Hào ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, bày tỏ: Nhà tôi có mấy sào đất trồng rau màu ở dọc bờ sông Ba nên thường xuyên làm việc ở khu vực này. Trước đây, mỗi khi lũ về, nhà máy thủy điện xả lũ nhưng người dân mải làm việc nên thường chủ quan, không để ý. Nay có hệ thống còi báo lũ, chúng tôi thấy yên tâm hơn. Mọi người nhắc nhau không được chủ quan khi lũ về, để tránh bị thiệt hại như năm trước.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh, qua kiểm tra tại các nhà máy thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ, công tác chuẩn bị ứng phó mưa bão đã được quan tâm đúng mức. Việc phối hợp giữa các nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương cũng rất tốt, có sự tham vấn thường xuyên với địa phương để xử lý khi có sự cố. Trong mùa mưa lũ, quan trọng nhất là sự phối hợp, điều tiết giữa các nhà máy thủy điện. Khi lũ về cùng lúc, nếu các nhà máy đều xả lũ thì sẽ gây nguy hiểm cho vùng hạ du. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ điều phối xả lũ phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, lại đảm bảo an toàn hồ đập.

Từ thời điểm này, UBND tỉnh yêu cầu các nhà máy thủy điện không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tổ chức quan trắc, dự báo, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn phải kịp thời, chính xác để phục vụ công tác vận hành, điều tiết hồ chứa; đồng thời cung cấp tín hiệu hình ảnh camera giám sát việc xả nước cho Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để chủ động ứng phó khi có mưa lũ xảy ra.

 

NGÔ XUÂN